Bệnh sương mai trên dưa lưới - Biểu hiện và cách phòng trừ

Bệnh sương mai trên dưa lưới – Biểu hiện và cách phòng trừ

Bệnh sương mai trên dưa lưới – Biểu hiện và cách phòng trừ là gì? Dưa lưới là một trong những loại trái cây rất được yêu thích và có giá trị kinh tế cao, vì vậy mà rất nhiều nông dân lựa chọn loại cây trồng này. Tuy nhiên, bà con lại phải đối mặt với những loại bệnh trên dưa lưới khác nhau, trong đó có bệnh sương mai.

1. Bệnh sương mai là gì?

Bệnh sương mai có tên khoa học là Downy mildew, nguyên nhân gây bệnh chính là từ loại nấm mang tên Pseudoperonospora cubensis, loại nấm này bám chặt vào mặt dưới của lá cây, hút hết chất dinh dưỡng của lá cây và lan dần ra từ các tầng lá dưới cho đến ngọn.

Bệnh sương mai là gì?

2. Biểu hiện của bệnh sương mai:

Bệnh sương mai trên dưa lưới có thể được phát hiện khá dễ dàng, bạn có thể thấy những vết bệnh mang màu sắc trắng hoặc vàng nhạt bám ở mặt dưới lá, đây là những lớp tơ nấm nhìn tưởng như những giọt sương ban mai. Ở mặt trên lá, vết bệnh sẽ làm màu lá xanh nhạt, vết bệnh già đi sẽ có màu vàng tới màu nâu sậm.

Khi kiểm tra xem cây trồng có bị bệnh sương mai không, người ta thường quan sát kỹ mặt dưới lá. Vết bệnh có hình đa giác có góc cạnh rõ ràng, rải rác xung quanh mặt lá. Vết bệnh lan từ tầng lá dưới lên dần cho đến ngọn, lá bệnh khô héo, xoăn lại và rất dễ rụng.

3. Tác hại của bệnh sương mai:

Bệnh sương mai là bệnh khá nguy hiểm cho cây dưa lưới nếu không được phòng trừ kịp thời. Bệnh làm cản trở quá trình quang hợp của cây trồng, khiến cho cây chậm phát triển và có thể chết đi vì thiếu dinh dưỡng.

Loại bệnh này có thể tác động trực tiếp đến cây con khi mới ra 3 lá cho đến cuối mùa vụ khi thu hoạch. Chúng ăn dần những tầng lá, làm cho lá cây khô và giòn hơn, rụng xuống dần, sau đó ăn dần lên những tầng lá ngọn, thân cây, cành, hoa, thế nên cây trồng kém phát triển, khó lòng ra hoa kết trái, trái dưa lưới của cây bệnh rất nhỏ, kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất thu hoạch của người nông dân.

Bệnh sương mai gây ra nhiều tác hại cho cây dưa lưới

4. Điều kiện thuận lợi cho bệnh sương mai:

Thời tiết nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam rất dễ làm phát sinh bệnh sương mai cho cây dưa lưới. Đặc biệt là trong những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt, thay đổi thất thường, mưa nhiều, biên độ nhiệt ngày và đêm cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan.

Với bệnh sương mai, nhiệt độ khoảng 20 – 23 độ C, độ ẩm cao, mưa nhiều, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 10 độ C, nấm sẽ sinh sôi nảy nở và lây lan ra toàn bộ đồng ruộng theo những cơn gió rất nhanh. Ở thời tiết khô hanh, độ ẩm thấp, bệnh vẫn có khả năng tồn tại, tuy nhiên lây lan khá chậm và chỉ gây hại ở tầng lá dưới.

Thời gian bệnh gây hại nhất là vào lúc sáng sớm, khi mà nhiệt độ chưa lên cao, độ ẩm không khí khá cao, bệnh sẽ lây lan lên đến ngọn. Đặc biệt trong thời gian cây dưa lưới trổ bông và kết trái, bệnh sương mai sẽ hoành hành mạnh mẽ nhất.

5. Biện pháp phòng trừ bệnh sương mai trên dưa lưới

Như đã nói ở trên, bệnh sương mai gây hại rất lớn cho sự tăng trưởng và năng suất cây trồng, vì vậy để phòng bệnh trên dưa lưới, bạn nên phòng tránh bệnh ngay từ khi bắt đầu gieo trồng, thường xuyên kiểm tra để hạn chế bệnh lây lan ở mức thấp nhất.

Sau đây là những lời khuyên để phòng trừ bệnh sương mai trên dưa lưới:

+ Vệ sinh đất trồng: đất trồng cây dưa lưới nên được làm thông thoáng trước khi gieo trồng, thu gom và đem đi tiêu hủy toàn bộ cây bệnh, làm sạch cỏ dại, rơm rạ,…

Vệ sinh đất trồng để phòng bệnh sương mai trên dưa lưới

+ Kiểm tra hệ thống thoát nước của đồng ruộng, hạn chế ngập úng trong mùa mưa, đất có độ ẩm quá cao. Bạn có thể làm luống cao hoặc giàn leo cho cây để hạn chế ngập úng.

+ Chọn giống dưa lưới tốt, sạch và kháng bệnh hiệu quả, không nên trồng liên tục nhiều vụ dưa lưới trên cùng một mảnh đất để tránh tích tụ nguồn bệnh. Khi gieo trồng nên có mật độ phù hợp để các cây sinh trưởng tốt, tránh lây lan bệnh nhanh giữa các cây.

+ Thường xuyên kiểm tra xem cây trồng đã bị bệnh chưa, khi phát hiện ra cần cắt tỉa ngay những lá, thân bị bệnh, đảm bảo lá ít tiếp xúc với mặt đất, nên dùng màng phủ nilon.

+ Khi cây có biểu hiện chớm bệnh, bạn có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun lên cây như Ridomil Gold 68WP, Belkute 40WP, Daconil 500 SC,… hoặc các loại thuốc gốc đồng như COC 85WP, Champion 77WP,…

Khi phun, bạn nên phun đều 2 mặt lá, chú ý phun mặt dưới lá nhiều hơn vì ở đây là nơi nấm trú ngụ. Khi sử dụng các loại thuốc gốc đồng, bạn phải đọc kỹ liều lượng và cách sử dụng để đảm bảo sự phát triển cho cây, vì lá dưa lưới rất mẫn cảm với đồng.

Bài viết trên đã giúp bạn phần nào hiểu rõ về bệnh sương mai trên dưa lưới, bệnh sương mai nếu không được phòng trừ sớm rất có thể sẽ làm cho người nông dân gặp khó khăn trong trồng trọt và thu hoạch, làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có được những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng trừ bệnh sương mai.

Lisado Việt Nam luôn cam kết đem lại những giá trị đích thực cho dịch vụ, sản phẩm nhằm thoả mãn các nhu cầu về dưa lưới thương mại, thực phẩm sạch của khách hàng: với chi phí thấp nhất, các công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp nhất bên cạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7 nhiệt tình và tận tâm hướng đến khách hàng, không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu cao nhất từ phía khách hàng.

Originally posted 2023-10-20 00:24:16.

ĐK khảo sát dự án dưa lưới
Tư vấn, báo giá nhà màng trồng dưa lưới

Menu chính